Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

MẠNH TỬ 13

見孟子問曰:「周公何人也?」曰:「古聖人也。」曰:「使管叔監殷,管叔以殷畔也,有諸?」曰:「然。」曰:「周公知其將畔而使之與?」曰:「不知也。」然則聖人且有過與。曰:周公弟也管叔兄也周公之過不
亦宜乎
Kiến Mạnh tử, vấn viết: Châu công hà nhân dã? Viết: Cổ thánh nhân dã. Viết: Sử Quản thúc giảm Ân, Quản thúc dĩ Ân bạn dã, hữu chư? Viết: Nhiên. Viết: Châu công tri kỳ tương bạn nhi sử chi dư? Viết: Bất tri dã - Nhiên tắc thánh nhân thả hữu quá dư? Viết Châu công đệ dã, Quản thúc huynh dã, Châu công chi quá, bất diệc nghi hồ
Dịch nghĩa: Giả đi yết kiến thầy Mạnh hỏi rằng: Ông châu công là người thế nào? Thầy nói: Là ông thánh đời xưa vậy. Giả nói: Ông Châu công sai Quản thúc coi giữ nước Ân, Quản thúc lấy nước Ân làm phản, sự ấy có không? Thầy nói: Có thế. Giả nói: Châu công biết rằng họ sắp định làm phản mà cũng cứ sai đi đấy dư? Thầy nói: Không biết vậy. Giả nói: Thế thì thánh nhân cũng có lầm lỗi dư? Thầy nói: Châu công là em, Quản thúc là anh, Châu công mà lầm lỗi, chẳng cũng là cái lẽ thường đấy ư?
Chú giải: Qua = trỏ về cái lỗi không biết người mà dùng lầm, Nghi = là nên, là lẽ thường không thể tránh được. Nghĩa là anh em cứ lấy lòng thực mà xử với nhau, Châu công alf em không nỡ đoán trước rằng anh thế nào cũng sinh biến, nên có lầm lỗi mà sai khiến đi, song cũng là cái lẽ thường; cũng bởi cái lòng thành thực hợp với thiên lý nhân tình vậy
且古之君子過則改之今之君子過則順之古之君子其過也如日月之食民皆見之及其更也民皆仰之。今之君子豈徒順之又從為之辭
Thả cổ chi quân tử, quá tắc cải chi; kim chi quân tử, quá tắc thuận chi. Cổ chi quân tử, kỳ quá dã như nhật nguyệt chi thực, dân giai kiến chi; cập kỳ canh dã, dân giai ngưỡng chi. Kim chi quân tử, khởi đồ thuận chi, hựu tùng vi chi từ.
Dịch nghĩa: Vả lại quân tử đời xưa, có lỗi thì đổi đi ngay; quân tử đời nay, có lỗi thì cứ thuận theo mà làm. Quân tử đời xưa, khi có lỗi thì như lúc mặt trời mặt trăng phải xâm tối đi, không giấu giếm gì, người ai cũng đều trông thấy cả; đến khi đổi lỗi, thì như mặt trời mặt trăng lại sáng, người ai cũng ngửa trông đấy. Quân tử đời nay không những cứ thuận lỗi mà làm, lại còn bịa lời ra để cãi.
Chú giải: Thuận = Y theo không chịu đổi, nghĩa là không chịu nhận lỗi mà chừa đi. Từ = lời biện bác cãi bậy. Đây là thầy Mạnh trách người Trần Giả không biết khuyên vua lấy cái đạo đổi lỗi làm thiện, mà lại dạy vua lấy cái cách che đậy điều lỗi
X
孟子致為臣而歸,
Mạnh tử trí vi thần nhi quy
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh trả cái chức làm bề tôi mà về
Chú giải: Đây là thầy Mạnh làm quan Khanh ở nước Tề đã lâu ngày mà không thi thố được đạo học của mình ra, cho nên đi  
王就見孟子曰:「前日愿見而不可得,得侍同朝甚喜。今又棄寡人而歸,不
識可以繼此而得見乎?」對曰:「不敢請耳,固所愿也。」
Vương tựu kiến Mạnh tử viết: Tiền nhật nguyện kiến nhi bất khả đắc, đắc thị, đồng triều thậm hỉ; kim hựu khí quả nhân nhi quy, bất thức khả dĩ kế thử nhi đắc kiến hồ? Đối viết: Bất cảm thỉnh nhĩ, cố sở nguyện dã.
Dịch nghĩa: Vua đến tận nơi yết kiến thầy Mạnh, nói rằng: Ngày trước quả nhân muốn yết kiến thầy mà chẳng được, khi được hầu thầy, cả triều đều mừng lắm; nay thầy lại bỏ quả nhân mà về, chẳng biết sau này thầy có đến nữa để cho quả nhân này lại được yết kiến không? Thầy Mạnh thưa rằng: Cái sự tương kiến sau này, không dám thỉnh trước đấy thôi, chứ vẫn là sở nguyện vậy.
Chú giải: Thị = hầu, kế = Nối. Kế thử = nối sau này, thỉnh = xin. Bất cảm thỉnh = khong dám xin hẹn định trước.    
他日王謂時子曰:「我欲中國而授孟子室,養弟子以萬鐘,使諸大夫國人皆有所矜式。子盍為我言之?」
Tha nhật vương vị Thời tử viết: Ngã dục trung quốc nhi thụ Mạnh tử thất, dưỡng đệ tử dĩ vạn chung, sử chư đại phu quốc nhân giai hữu sở căng thức; tử hạp vị ngã ngôn chi.
Dịch nghĩa: Đến ngày khác, vua bảo ngươi Thời tử rằng ta muốn giữa trong nước mà trao cho thầy Mạnh cái nhà ở, đem muôn chung thóc để nuôi đệ tử thầy Mạnh, khiến cho các quan đại phu và quốc nhân đều có chỗ tôn kính mà bắt chước; ngươi sao chẳng vì ta nói với thầy Mạnh
Chú giải: Thời tử = quan nước Tề. Chung = tên một cái đồ đong thóc ngày xưa, lượng đựng 6 hộc 4 đấu. Vạn chung là cái số bổng lộc nhiều. Căng = kính . Thức = phép, là bắt chước. Hạp = sao chẳng. Đây là thầy Mạnh đã toan đi, nhưng chưa nỡ đi ngay, còn ở trong cõi nước Tề, mà vua có ý muốn lưu thầy Mạnh lại  
時子因陳子而以告孟子;陳子以時子之言告孟子。孟子曰:  「然。夫時子惡知其不可也?如使予欲富,辭十萬而受萬,是為欲富乎?
Thời tử nhân Trần tử nhi dĩ cáo Mạnh tử. Trần tử dĩ Thời tử chi ngôn cáo Mạnh tử. Mạnh tử viết: Nhiên, phù Thời tử ô tri kỳ bất khả dã. Như sử dư dục phú, tứ thập vạn nhi thụ vạn, thị vi dục phú hồ
Dịch nghĩa: Thời tử nhân thác với Trần tử để nói với thầy Mạnh, Trần tử đem lời Thời tử nói với thầy Mạnh tử. Thầy Mạnh nói: Thời tử nói thế a, ôi Thời tử có biết đâu cái cớ ta chẳng nên ở nước Tề. Nếu mà ta muốn giàu, ta sao lại từ chối cái lộc mười vạn, mà ta nhận lấy cái lộc một vạn chung, thế là ta muốn sự giàu ư?
Chú giải: Trần tử = tức là Trần Trăn, học trò thầy Mạnh. Thập vạn = mười vạn chung thóc, cái lộc quan Khanh ngày trước, vạn = một vạn chung thóc, cái lộc nuôi đệ tử ngày nay. Đây là thầy Mạnh sở dĩ bỏ nước tề mà đi, là vì cái cớ đạo học của mình không thi thố ra được, nhưng lại khó nói rõ ra nên chỉ nói cái lẽ thầy ở nước Tề không phải là muốn sự giàu, chỉ cốt là muốn hành đạo mà thôi  
季孫曰:『異哉子叔疑!使己為政,不用,則亦已矣,又使其子弟為卿。人亦孰不欲富貴?而獨於富貴之中有私龍斷焉。』
Quý tôn viết: Dị tai tử thúc nghi, sử kỷ vi chính bất dụng, tắc diệc dĩ hĩ, hựu sử kỳ tử đệ vi khanh, nhân diệc thục bất dục phú quý, nhi độc ư phú quý chi chung, hữu tư lũng đoạn yên.
Dịch nghĩa: họ Quý Tôn thường nói rằng: Quái thay Tử Thúc Nghi, Nếu tự mình ở ngôi làm chính chẳng được vua dùng, thì cũng nên thôi vậy, lại khiến tử đệ mình làm quan khanh. Người ta ai chẳng muốn giàu sang, mà Tử Thúc Nghi lại một mình ở trong đám giàu sang, có cái lũng đoạn riêng vậy
Chú giải: Quý Tôn, Tử Thúc Nghi: Người đời trước thầy Mạnh, nhưng cũng không biết là người nào. Lũng đoạn = Lũng là chỗ gò đống, đoạn là chỗ đứt đoạn mà gồ cao lên, nghĩa giải rõ ở bài dưới. Đây là thầy Mạnh dẫn lời Quý Tôn chê Tử Thúc Nghi đã không được sự phú quý ở mình, mà lại muốn cầu sự phú quý cho tử đệ, thế là có ý mưu mô, lấy sự phú quý. Thầy Mạnh thì khác với Tử Thúc Nghi, mình đã không được hành đạo thì thôi, chớ không chịu nhận lấy lộc nữa.
古之為市也,以其所有易其所無者,有司者治之耳。有賤丈夫焉,必求龍斷而登之,以左右望而罔市利。人皆以為賤,故從而征之。征商自此賤丈夫始矣。」
Cổ chi vi thị giả, dĩ kỳ sở hữu, dịch kỳ sở vô giả, hữu tư giả tri chi nhĩ. Hữu tiện trượng phu yên, tất cầu lũng đoạn nhi đăng chi, dĩ tả hữu vọng nhi võng thị lợi, nhân giai dĩ vi tiện, cố tùng nhi chinh chi. Chinh thương, tự thử tiện trượng phu thuỷ hĩ.
Dịch nghĩa: Đời xưa làm ra chợ ấy là để đem cái vật mình có, đổi lấy cái vật mình không; quan hữu tư chẳng qua coi xét đó mà thôi. Có một hạng người là kẻ tiện trượng phu, tất cầu lấy chỗ gò đất cao mà lên, để trông tả trông hữu, mà vét lợi chợ, người ta đều cho kẻ ấy là bỉ tiện, cho nên mới đánh thuế kẻ ấy. Đời sau đánh thuế kẻ đi buôn, là tự cái kẻ tiện trượng phu ấy trước vậy.
Chú giải: Hữu tư = quan giữ việc, tức như quan Tư thị coi về việc tranh kiện trong chợ. Trị = lấy phép trị và coi xét cho nghiêm chợ. Tiện trượng phu = Kẻ đê tiện khá khinh. Võng = thông dụng như chữ võng (lưới) nghĩa là vét. Đây là thầy Mạnh giải thích cái nghĩa hai chữ lũng đoạn
XI
孟子去齊,宿於晝。有欲為王留行者,坐而言。不應,隱几而臥。
Mạnh tử khứ Tề, túc ư Trú, Hữu dục vị vương lưu hành giả, toạ nhi ngôn. Bất ứng, ẩn kỷ nhi ngoạ.
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh bỏ nước Tề mà đi, còn ngủ lại ở ấp Trú. Có kẻ muốn vì vua lưu thầy Mạnh lại, người ấy ngồi mà nói. Thầy Mạnh không trả lời, cứ dựa ghế mà nằm.
Chú giải: Trú= tên một cái ấp ở phía tây nam nước Tề. Lưu hành = Lưu cái sự đi, nghĩa là ngăn ở lại. Ẩn = tựa. Đây là cái kẻ muốn lưu thầy Mạnh lại chẳng qua là do cái ý riêng của kẻ ấy mà thôi, không phải là phụng mệnh vua, thế là kẻ ấy không biết cái dạo lưu người hiền. cho nên thầy Mạnh không trả lời mà chỉ nằm, để tỏ ra ý cự tuyệt     
客不悅曰:「弟子齊宿而後敢言;夫子臥而不聽;請勿復敢見矣。」曰:「坐。我明語子:昔者魯繆公無人乎子思之側,則不能安子思;泄柳、申詳無人乎繆公之側,則不能安其身。
Khách bất duyệt, viết: Đệ tử trai túc nhi hậu cảm ngôn, phu tử ngoạ nhi bất thính, thỉnh vật phục cảm kiến hĩ. Viết: Toạ, ngã minh ngữ tử: Tích giả Lỗ Mục công vô nhân hồ Tử Tư chi trắc, tắc bất năng an Tử Tư, Tiết Liễu, Thân Tường vô nhân hồ Mục công chi trắc, tắc bất năng an kỳ thân.
Dịch nghĩa: Người khách chẳng bằng lòng mà nói rằng: Đệ tử này trai giới cách đêm rồi mới dám nên nói, nhà thầy lại nằm mà chẳng nghe, xin từ đây trở đi không dám yết kiến thầy nữa. Thầy Mạnh nói: Ngồi đó, ta bảo rõ cho ngươi biết: Ngày xưa vua Mục công nước Lỗ không có người chầu chực ở bên ông Tử Tư thì không thể yên được lòng ông Tử Tư. Ông Tiết Liễu, ông Thân Tường, nếu không có người tiến dẫn mình ở bên ông Mục công, thì không có thể yên được cái thân mình.
Chú giải: Trai túc = trai giới tự đêm hôm trước, là ý không dám khinh suất, Tử Tư = Người đại hiền, cháu ông Khổng phu tử tên là Cấp. Tiết Liễu = người hiền ở nước Lỗ. Thân Tường = cũng là người hiền, tức là con thầy Tử Trương. Đây là nói cái lẽ ông vua kính trọng người hiền để đạo đạt cái tôn kính của vua, nếu không thế thì người hiền đi mà không ở, tức như vua Mục công đối với ông Tử tư. Và người hiền đối với vua, cũng phải có kẻ tiến dẫn mình thường ở bên cạnh vua để hộ trì tán dương cho mình, nếu không thế thì cái thân người hiền cũng không yên mà ở được, tức như Tiết Liễu, Thân Tường đối với vua Mục công vậy
子為長者慮,而不及子思。子長者乎?長者子乎?」
Tử vị trưởng giả lự, nhi bất cập Tử Tư, Tử tuyệt trưởng giả hồ? Trưởng giả tuyệt tử hồ?
Dịch nghĩa: Người vì kẻ trưởng giả lo tính mà chẳng bằng cái lễ vua Mục công dãi thầy Tử Tư. Thế là ngươi cự tuyệt kẻ trưởng giả đấy ư? Hay là kẻ trưởng giả cự tuyệt ngươi đấy ư?
Chú giải: Trưởng giả = Người hơn tuổi và có đức, kể về người bậc trên. Trưởng giả đây là thầy Mạnh tự xưng mình. Đây là trách người khách không phụng mệnh vua mà chỉ tự ý riêng mình lo tính nói ra để lưu thầy Mạnh, khinh thường như thế thì khác với sự vua Mục công đãi thầy Tử Tư, không khỏi có ý khinh nhờn người trưởng giả, thế là người khách cự tuyệt trưởng giả trước, chứ không phải trưởng giả cự tuyệt gì người khách
XII
孟子去齊,尹士語人曰:「不識王之不可以為湯、武,則是不明也;識其不可然且至,則是干澤也。千里而見王,不遇故去;三宿而後出晝,是何濡滯也!士  則茲不悅。」
Mạnh tử khứ Tề, Doãn Sĩ ngữ nhân viết: Bất thức vương chi bất khả dĩ vi Thang, Vũ, tắc thị bất minh dã; thức kỳ bất khả nhiên thả chí, tắc thị can trạch dã; thiên lý nhi kiến vương, bất ngộ cố khứ; tam túc nhi hậu xuất Trú, thị hà nhu trệ dã: Sĩ tắc tư bất duyệt.
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh bỏ nước Tề mà đi. Doãn Sĩ bàn riêng với người rằng: Thầy Mạnh chẳng biết vua không có thể làm được như vua Thang vua Vũ, thì là cái trí chẳng sáng; biết vua không thể làm gì được, thế mà vẫn cứ đến, thì là muốn cầu lợi lộc; xa xôi mà đến yết kiến vua, cái đạo mình với ý vua chẳng hợp, cho nên phải ra đi. Khi đi ba đêm rồi mới ra đến ấp Trú, sao mà dùng dằng trí tuệ thế! Sĩ này vì thấy điều đó mà chẳng lấy làm bằng lòng.
Chú giải: Doãn Sĩ = Người nước Tề. Vương = vua Tuyên vương nước Tề. Can = Cầu cạnh . Trạch = ân trạch, tức là lợi lộc vua ban cho. Trú = cái đất ở ngoài cõi nước Tề. Nhu trệ = ý dùng dằng chậm chạp, nửa ở nửa đi. Đây là lời chê thầy Mạnh đạo đã bất hành, lại không biết khiến thân (giữ mình cho sạch) mà đi cho chóng.
高子以告。
Cao tử dĩ cáo
Dịch nghĩa: Cao tử đem lời Doãn Sĩ bảo với thầy Mạnh
Chú giải: Cao tử = người nước Tề, học trò thầy Mạnh
曰:「夫尹士惡知予哉?千里而見王,是予所欲也。不遇故去,豈予所欲哉?予不得已也。
Viết: Phù Doãn Sĩ ô tri dư tai! Thiên lý nhi kiến vương, thị dư sở dục dã; bất ngộ cố khứ, khởi dư sở dục tai, dư bất đắc dĩ dã
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh nói: Ôi, Doãn Sĩ sao biết được bụng ta! Xa xôi mà lại yết kiến vua, may ra mà được hành đạo, ấy là sở nguyện ta đó; chẳng hợp cho nên phải đi, há bản tâm ta có muốn đi đâu, ta bất đắc dĩ mới phải đi vậy.
Chú giải: Bất đắc dĩ= cực chẳng đã, ý là bách về cái nghĩa mà phải đi
予三宿而出晝,於予心猶以為速。王庶幾改之!  王如改諸,則必反予。
Dư tam túc nhi xuất Trú, ư dư tâm do dĩ vi tốc, vương thứ kỵ cải chi! Vương như cải chư, tắc tất phản dư
Dịch nghĩa: Ta ba đêm mà ra đến ấp Trú, cứ như lòng ta còn cho là chóng kia đấy, vì mong vua ngõ hầu đổi được sự lầm lỗi; vua nếu đổi được chăng, thì tất với ta trở lại
Chú giải: Thứ ky ngõ hầu, cũng như tiếng hoạ may, ý là mong vua đổi lỗi. Đây là thầy Mạnh kể rõ ra cái ý đối với vua không thể khiết nhiên được, bất đắc dĩ mà phải đi, nhưng vẫn còn có ý mong vua hối ngộ
夫出晝而王不予追也,予然後浩然有歸志。予雖然,豈舍王哉?王由足用為善;王如用予,則豈徒齊民安?天下之民舉安。王庶幾改之!予日 望之!
Phù xuất Trú nhi vương bất dư truy dã, dư nhiên hậu hiệu nhiên hữu quy chí. Dư tuy nhiên, khởi sả vương tai; vương do túc dụng vi thiện, vương nhu dụng dư, tắc khởi đồ Tề dân an, thiên hạ chi dân cử yên, vương thứ ky cải chi, dư nhật vọng chi
Dịch nghĩa: Khi ra đến ấp Trú, mà vua chẳng cho theo vời ta nữa, ta bấy giờ mới quyết nhiên có cái chí đi về. Ta bấy giờ mới quyết nhiên có cái chí đi về. Ta tuy vậy, há nỡ bỏ vua đâu; vua là người còn đủ dùng làm điều thiện, vua nếu dùng ta, thì há những dân nước Tề được yên, cả dân thiên hạ đều được yên; vua ngõ hầu đổi được sự lầm lỗi, ta một ngày một mong lắm đấy
Chú giải: Hiệu nhiên = cái thế nước chảy trôi băng, không thể ngăn lại được. Nghĩa bóng là quyết hẳn đi ngay. Chữ do nghĩa là còn. Cử = cả, đều. Cử an = đều yên cả. Đây là thầy Mạnh kể ra cái ý vua tuy không theo với mình, mà mình vẫn không nỡ bỏ vua
予豈若是小丈夫然哉!諫於其君而不受,則怒,悻悻然見於其面,去則窮日之力而後宿哉?」尹士聞之,曰:「士誠小人也。」
Dư khởi nhược thị tiểu trượng phu nhiên tai, giấu ư kỳ quân nhi bất thụ, tắc nộ hãnh hãnh nhiên kiến ư kỳ diện, khứ tắc cùng nhật chi lực nhi hậu túc tai. Doãn Sĩ văn chi viết: Sĩ thành tiểu nhân dã
Dịch nghĩa: Ta há như kẻ trượng phu nhỏ nhen ấy đâu, can ngăn vua mình mà vua chẳng nghe, thì giận dỗi hằm hằm hiện ra nét mặt, đi thì hết sức trong một ngày rồi mới nghỉ đâu. Doãn Sĩ được nghe lời thầy Mạnh, rồi nói rằng: Sĩ này thực là kẻ tiểu nhân vậy
Chú giải: Hãnh hãnh nhiên = ý tức giận mà hiện ra nét mặt. Toàn chương này là tỏ ra cái bản tâm kíp về sự cứu đời và cái dư ý thiết về nghĩa yêu vua của bậc thánh hiền, chứ không như những kẻ trượng phu nhỏ mọn. Đây là Doãn Sĩ phục thầy Mạnh là quân tử mà trách mình là tiểu nhân
孟子去齊,充虞路問曰:「夫子若有不豫色然。前日虞聞諸夫子曰:『君子不怨天,不尤人。』」
Mạnh tử khứ Tề, Sung Ngu lộ vấn viết: Phu tử nhược hữu bất dự sắc nhiên? Tiền nhật Ngu văn chư phu tử viết: Quân tử bất oán thiên bất vưu nhân
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh bỏ nước Tề mà đi. Sung Ngu theo hầu đi dọc đường hỏi rằng: Nhà thầy hình như có cái nét mặt chẳng vui vậy? Ngày trước Ngu này có nghe nhà thầy nói rằng: Người quân tử chẳng oán trời, chẳng đổ lỗi cho người
Chú giải: Dự = vui, hả. Bất dự = chẳng vui, ý buồn rầu. Câu bất oán bất vưu nguyền là lời Khổng phu tử, thầy Mạnh thường thuật ra để dạy người.
曰「彼一時,此一時也。
Viết: Bỉ nhất thời, thử nhất thời dã
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh nói: Ngày trước là một thời, ngày nay lại là một thời khác.
Chú giải: Bỉ = kia, trỏ về ngày trước kia dạy bảo Sung Ngu, còn là cái lúc giảng bàn về sự quân tử tu thân. Thử = ấy, nay, trỏ về ngày nay ở nước Tề đi ra, chính đương lúc buồn về nỗi muốn hành đạo cứu thời mà không được gặp. 五百年必有王者興,其間必有名世者。
Ngũ bách niên tất hữu vương giả hưng, kỳ gian tất hữu danh thế giả
Dịch nghĩa: Năm trăm năm tất có đấng vương giả dấy lên, khoang ấy tất có người danh thế.
Chú giải: Ngũ bách niên: Nói đại ước về cái thời kỳ cuối vận với đầu vận giao hội nhau, trỏ về khí số mà nói. Theo như lịch sử Tàu, kể từ vua Nghiêu, vua Thuấn đến vua Thang nhà Thương, từ vua Thang đến vua Văn, vua Võ nhà Châu, cách nhau đều là hơn năm trăm năm cả. Vương giả = trỏ về những bậc vua thánh hiền, như vua Nghiêu vua Thuấn, vua Thang vua Võ. Danh thế = người có đạo đức công nghiệp, có danh tiếng một thời, trỏ về những bậc hiền thần phụ tá, như ông Cao ông Quí, ông Y Doãn, ông Thái công Vọng vv, đều là những bậc danh thế để giúp cho các đấng vương giả 由周而來,七百有餘矣;以其數則過矣,以其時考之則可矣。
Do Châu nhi lai, thất bách hữu dư tuế hĩ, dĩ kỳ số tắc quá hĩ, dĩ kỳ thời khảo chi, tắc khả hĩ
Dịch nghĩa: Tự thủa nhà Châu dấy lên cho đến bây giờ, đã hơn bảy trăm năm rồi, tính cái số năm thì đã quá rồi, đem cái thời mà xét ra thì là cái thời loạn cực tư trị, có thể làm được vậy.
Chú giải: Số = trỏ cái số năm trăm năm, tính ra thì từ thời Châu đến nay đã 700 năm quá hai trăm năm rồi. Thời = trỏ cái thời Chiến quốc lúc bấy giờ. Đây là nói ra cái cớ sở dĩ chẳng vui, vì thời là cái thời có thể làm được mà chẳng được làm nên công nghiệp gì, nên mới có ý buồn. 夫天,未欲平治天下也,如欲平治天下,當今之世,舍我其誰也?吾何為不豫哉?」
Phù thiên vị dục bình trị thiên hạ dã. Như dục bình trị thiên hạ, đương kim chi thế, sả ngã kỳ thuỳ dã, ngô hà vi bất dự tai
Dịch nghĩa: Ôi, chỉ là trời chưa muốn bình trị thiên hạ đấy thôi. Nếu trời muốn bình trị thiên hạ, đương cuộc đời nay, bỏ ta thì còn dùng ai, ta việc gì mà chẳng vui.
Chú giải: Đây là thầy Mạnh nói thầy không được gặp vua nước Tề là tại ý trời chưa muốn bình trị thiên hạ đấy thôi. Nhưng ý trời cũng chửa biết chừng, mà cái tài đức bình trị được thiên hạ lại ở mình, còn có thể yên lòng mà mong đợi được cho nên vẫn thường vui
XIV
孟子去齊居休。公孫丑問曰:「仕而不受祿,古之道乎?」
Mạnh tử khứ Tề, cư Hưu, Công Tôn Sửu vấn viết. Sĩ nhi bất thụ lộc, cổ chi đạo hồ
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh bỏ nước Tề mà đi, nghỉ ở đất Hưu. Công Tôn Sửu hỏi rằng: Làm quan mà chẳng chịu nhận bổng lộc, là cái đạo đời xưa đấy ư?
曰:「非也。於崇,吾得見王;退而有去志,不欲變,故不受也。
Viết: Phi dã, ư Sùng, ngô đắc kiến vương, thoái nhi hữu khứ chí, bất dục biến, cố bất thụ dã
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh nói: Không phải thế, vì khi ở đất Sùng, ta được yết kiến vua, lúc cáo lui, ta đã có cái chí muốn đi, không muốn đổi chí ấy nữa, nên ta không chịu nhận lấy bổng lộc.
Chú giải: biến = biến đổi. Bất dục biến = không muốn biến đổi cái chí muốn đi.
Đây là kể ra cái cớ không chịu nhận bổng lộc của nước Tề là vì khi thầy Mạnh mới yết kiến Tề vương chắc có điều gì bất hợp, nên đã có chỉ định đi nơi khác, nếu định đi mà còn nhận bổng lộc, thì hành chỉ không được tự do, cho nên mới không nhận lấy bổng lộc, chứ làm quan mà nhận bổng lộc vẫn là cái lẽ thường từ xưa đến nay.
繼而有師命,不可以請。久於齊,非我志也。」
Kế nhi hữu sư mệnh, bất khả dĩ thỉnh, cửu ư tề, phi ngã chí dã
Dịch nghĩa: Rồi thì trong nước kế tiếp có việc quân không thể xin đi ngay được, chứ ở lâu tại nước Tề, không phải là chí ta vậy
Chú giải: Chỉ thầy Mạnh không muốn ở nước Tề đã không chịu nhận lấy bổng lộc, thì nên đi ngay nơi khác mới phải; nhưng còn phải ở lâu tại nước Tề là vì nước Tề đương lúc ấy có việc quân nghiêm ngặt trở ngại, chửa có thể cáo từ mà đi được đấy thôi, không phải là cái chi muốn ở lâu vậy



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét