Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

MẠNH TỬ 10

孟子曰:「矢人豈不仁於函人哉?矢人惟恐不傷人,函人惟恐傷人。巫匠亦然。故術不可不慎也。
Dịch âm: Mạnh Tử viết: Thỉ nhân khởi bất nhân ư hàm nhân tai, thỉ nhân duy khủng bất thương nhân, hàm nhân duy khủng thương nhân, vu, tượng diệc nhiên, cố thuật bất khả bất thận dã.
Dịch nghĩa:Thầy Mạnh nói: Cái tâm của kẻ làm tên bắn há bất nhân hơn kẻ làm áo giáp đâu. Duy mỗi nghề một khác, nên kẻ làm tên chỉ lo chẳng hại được người, kẻ làm áo giáp chỉ sợ hại đến người, kẻ thầy cùng với kẻ làm thợ đóng săng cũng vậy, cho nên chọn nghề làm phải nên cẩn thận
Chú giải: Thỉ = cái tên làm bằng tre vót nhọn, đầu bịt sắt để bắn. Thỉ nhân = người thợ làm tên. Hàm = cái áo giáp làm bằng da hoặc bằng sắt, khi lâm trận mặc vào để chống mũi tên hòn đạn. Hàm nhân = người thợ làm áo giáp . Vu = kẻ làm thầy cầu cùng cho người khỏi bệnh. Tượng = kẻ làm thợ đóng quan tài.
Đây là nói cái lòng nhân nguyên người tai ai cũng có chẳng khác gì nhau, duy vì cái nghề nghiệp nó xui khiến cho mình sinh ra lòng bất nhân, như anh thợ tên thựo săng thì bụng chỉ muốn cho người khác chết, khác với anh thợ làm áo giáp và thầy cúng bụng lại cầu cho người ta sống. chỉ vì nghề nghiệp khác nhau cho nên lòng khác nhau, thế thì nghề nghiệp phải nên chọn lấy nghề nhân đức mà làm
孔子曰:『里仁為美。擇不處仁,焉得智?』夫
仁,天之尊 爵也,人之安宅也。莫之御而不仁,是不智也
Dịch âm: Khổng tử viết: Lý nhân vi mĩ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí? Phù nhân, thiên chi tôn tước dã, nhân chi an trạch dã. Mạc chi ngưh nhi bất nhân, thị bất trí đã.
Dịch nghĩa: Ông Khổng có nói: Cái làng có tục nhân hậu, kẻ chọn chỗ ở còn lấy làm láng hay, nữa là chọn nghề mà chẳng tự xử vào điều nhân, thế thì sao được là người khôn. Ôi điều nhân là cái tước tôn quý của trời, cái nhà yên lành của người, chẳng ai ngăn cấm, mà không biết tự xử vào điều nhân, thế là bất trí vậy.
Chú giải: Xử = ở, hà tự xử vào. Yên = sao. Tôn tước = Phẩm tước tôn quý. An trạch = Nhà ở yên ổn. Ngữ = ngăn cấm. Đây là thầy Mạnh dẫn lời ông Khổng mà thích thêm ra, để chứng giải cái lẽ con người ta phải kén chọn lấy điều nhân mà tự xử mới là người khôn
不仁不智,無禮無義,人役也。人役而恥為役,由弓人而恥為弓、矢人而恥為矢也。
Dịch âm: Bất nhân, bất trí, vô lễ, vô nghĩa, nhân dịch dã; nhân dịch nhi sỉ vi dịch, do cung nhân nhi sỉ vi cung, thỉ nhân nhi sỉ vi thỉ dã.
Dịch nghĩa: Bất nhân, bất trí, vô lễ, vô nghĩa, cách người hư hỏng như vậy, chỉ làm kẻ dịch sử cho người mà thôi; làm kẻ dịch sử cho người mà xấu hổ  làm sự dịch sử, cũng như kẻ làm cung, mà xấu hổ sự làm cung, kẻ làm tên mà xấu hổ sự làm tên vậy.
如恥之,莫如為仁。
Dịch âm: Như sỉ chi, mạc như vi nhân
Dịch nghĩa: Nếu xấu hổ sự dịch sử, thì không gì bằng làm điều nhân.
Chú giải: Đây là nhân cái lòng biết xấu hộ của người ta, mà dẫn bảo người ta, khiến người ta xu hướng về đường nhân vậy
仁者如射:  射者正己而後發;發而不中,不怨勝己者,反求諸己而已矣。
Dịch âm: Nhân giả như xạ, xạ giả chính kỷ nhi hậu phát, phát nhi bất trúng, bất oán thắng kỳ giả, phản cầu chư kỷ nhi dĩ hĩ.
Dịch nghĩa: Kẻ làm nhân như kẻ tập bắn, kẻ tập bắn phải sửa mình cho ngay ngắn rồi mới phóng tên; phóng tên mà chẳng trúng, cũng chẳng nên oán kẻ hơn mình, trách lại ở mình mà thôi.
Chú giải: Chính kỷ = sửa mình cho ngay, trong ngay lấy cái chí ngoài ngay lấy cái thể. Cầu = trách. Đây là thí dụ việc tập bắn chỉ trách tại mình, để tỏ cái đạo làm nhân cũng chỉ bởi tự mình, chứ không phải bởi tại người đâu
孟子曰:「子路,人告之以有過則喜。
Dịch âm: Mạnh tử viết: Tử Lộ, nhân cáo chi dĩ hữu quá tắc hỉ
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh nói: Thầy Tử Lộ, người ta bảo mình lấy những điều mình có lỗi, thì thầy ấy mừng.
Chú giải: Tử Lộ tên là Do, học trò ông Khổng, Mừng nghĩa là mừng rằng mình được nghe lỗi mà mình đổi đi
禹聞善言則拜。
Dịch âm: Vũ văn thiện ngôn tắc bái
Dịch nghĩa: Vua Vũ nghe lời nói thiện thì lạy.
Chú giải: Vũ = Vua Vũ nhà Hạ, Thiện  = tức là lẽ phải. Bái = Lạy nghĩa là chịu nhận, nhận lấy lời phải của người mà mình thực hành
大舜有大焉,善與人同,舍己從人,樂取於人以為善。
Dịch âm: Đại Thuấn hữu đại yên, thiện dữ nhân đồng, xả kỷ tùng nhân, lạc thủ ư nhân dĩ vi thiện.
Dịch nghĩa: Độ lượng vua Đại Thuấn có phần lớn hơn vua Vũ với thầy Do, cùng với người trong thiên hạ chung điều thiện, Như là mình chửa thiện, thì bỏ mình mà theo người; người có điều thiện, thì vui lấy ở người để mà làm thiện.
Chú giải: Đại Thuấn = Vua Thuấn nhà Hữu Ngu. Đồng = Công đồng nghĩa là chung. Thiện dữ nhân đồng = điều thiện chung với thiên hạ, mà không lấy làm của mình riêng
自耕、稼、陶、漁,以至為帝,無非取於人者。
Dịch âm: Tự canh, giá, đào, ngư, dĩ chí vi đế, vô phi thủ ư nhân giả
Dịch nghĩa: Vua Thuấn tự thủa làm nghề cày cấy, nghề hun nặn, nghề kiếm cá, cho đến lúc làm vua, suốt đời sở hành, đều là lấy ở người mà làm thiện cả.
Chú giải: Canh = cày ruộng, Giá = cấy lúa, Đào = hun nặn những đồ dùng bằng đất. Ngư = Kiếm cá. Vua thuấn thuở hàn vi đã từng cày ở núi Lịch sơn, hun nặn ở chốn Hà tân, kiếm cá ở chầm Lôi trạch
取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善。
Dịch âm: Thủ chư nhân dĩ vi thiện, thị dữ nhân vi thiện giả dã. Cố quân tử mạc đại hồ dữ nhân vi thiện
Dịch nghĩa: Lấy ở người để làm thiện, thế là giúp người làm thiện đấy; cho nên điều thiện của người quân tử không gì lớn hơn cái điều giúp người làm thiện
Chú giải: Dữ = cho, và là giúp . Giúp đây không phải là đem điều thiện của mình mà cho người, chính là theo điều thiện của người để làm điều thiện của mình, khiến cho người lại vui lòng mà làm thiện, thế là giúp người làm thiện. Vua Thuấn là đấng đại thánh, cái độ lượng rộng rãi, khi thấy người có điều thiện thì vui lòng mà dùng, coi điều thiện của người cũng như điều thiện của mình, để cho người cũng vui lòng mà làm thiện. Chứ không phải như thói tầm thường lấy điều thiện của người để giả mạo làm điều thiện của mình vậy.
Chương này là nói về các bậc thánh hiền có cái bụng thành vui lấy điều thiện, điều thiện ở người có thể sửa cho mình, ở mình cơ thể giúp cho người được
孟子曰:「伯夷非其君不事,非其友不友。不立於惡人之朝,不與惡人言;立於惡人之朝,與惡人言,如以朝衣朝冠坐於塗炭。推惡惡之心,思與鄉人立,其冠不正,望望然去之,若將浼焉。是故諸侯雖有善其辭命而至者,不受也。不受也者,是亦不屑就已。
Dịch âm: Mạnh tử viết: Bá Di phi kỳ quân bất sự, phi kỳ hữu bất hữu, bất lập ư ác nhân chi triều, bất dữ ác nhân ngôn. Lập ư ác nhân chi triều, dữ ác nhân ngôn, như dĩ triều y triều quan toạ ư đồ thán. Suy ố ác chi tâm, tư dữ hương nhân lập, kỳ quan bất chính, vọng vọng nhiên khứ chi, nhược tương mỗi yên. Thị cố chư hầu tuy hữu thiện kỳ từ mệnh nhi chí giả, bất thụ dã; bất thụ dã giả, thị diệc bất tiết tựu dĩ.
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh nói: Cái nết ông Bá Di, chẳng phải ông vua đáng thờ chẳng thờ, chẳng phải người bạn đáng chơi chẳng chơi, chẳng đứng ở triều đình người ác, chẳng cùng với người ác nói năng. Đứng ở triều đình người ác, cùng với người ác nói năng, như là đem áo chầu mũ chầu, ngồi ở chốn bùn than. Suy cái lòng ông ghét kẻ ác như vậy, tưởng như ông cùng đứng với kẻ tầm thường chốn hương lý, cái mũ họ không ngay ngắn, ông cũng ngùi ngùi mà lánh đi, bằng dường sắp rây bẩn đến mình. Cho nên các nước chư hầu tuy có nước lời lẽ khéo khôn mà đến đón, ông cũng chẳng nhận lời mà đi; chẳng chịu đi đó, ấy cũng là chẳng thèm tới vậy.
Chú giải: Bá Di = con vua nước Cô trúc, anh em từng nhường nước cho nhau. Đồ = bùn lầy. Thán = than nhọ. Suy = suy xét. Tư = tưởng nghĩ, cũng như là tâm tư. Hương nhân = Người tầm thường ở chốn thôn quê. Vọng vọng = dáng bộ đi mà không buồn ngảnh lại. Mỗi = rây rớm cái bẩn. Từ mệnh = cái lời truyền ở miệng hoặc viết ra giấy mà đem đi khuyên mời. Thụ = Nhận lời mà đi. Tiết = sạch sẽ và có nghĩa là thiết tha. Bất tiết = trong lòng chẳng lấy sự đó làm sạch sẽ, làm thiết tha, ý là chẳng thèm. Tựu = tới, tự nơi nọ đi tới nơi kia. Dĩ = tiếng đệm, nghĩa là vậy. Đây là kể ra cái phẩm hạnh thuở bình sinh của bá Di, sau này mới tóm lại mà nghị luận. Đoạn dưới kể ra phẩm hạnh ông Liễu Hạ Huệ cũng vậy
柳下惠不羞污君,不卑小官。進不隱賢,必以其道。遺佚而不怨,厄窮而不憫。故曰:『爾為爾,我為我;雖袒裼裸裎於我側,爾焉能浼我哉!』故由由然與之偕而不自失焉,援而止之而止。援而止之而止者,是亦不屑去已。
 Dịch âm: Liễu Hạ Huệ bất tu ô quân, bất ti tiểu quan; tiến bất ẩn hiền, tất dĩ kỳ đạo; di dật nhi bất oán; ách cùng nhi bất mẫn. Cố viết: Nhĩ vi nhĩ, ngã vi ngã tuy đản tích khoả trình ư ngã trắc, nhĩ yên năng mỗi ngã tai. Cố do do nhiên dữ chi giai, nhi bất tự thất yên, viên nhi chỉ chi nhi chỉ; viên nhi chỉ chi nhi chỉ giả, thị diệc bất tiết khứ dĩ.
Dịch nghĩa: Cái nết ông Liễu Hạ Huệ, chẳng lấy vua hèn làm hổ, chẳng lấy quan nhỏ làm thấp; khi tiến làm quan chẳng chịu giấu giếm cong queo cái đạo của mình, mà cứ giữ lấy đạo thẳng; bị người ruồng bỏ, mà chẳng oán gì người; mình bị khốn cùng, mà cũng chẳng thương mình. Cho nên ông thường nói: Ta đối với mọi người, mày vẫn là mày, ta vẫn là ta, dẫu trần hay trần mình ở bên ta, mày sao rây cái bẩn vào ta được. Nên vẫn hơn hớn cùng với chúng ở chung, mà mình vẫn là minh. Khi ông định đi, người ta kéo tay lưu ông lại thì ông ở; kéo lưu lại mà ở đó, ấy cũng là chẳng thèm đi vậy
Chú giải: Liễu Hạ Huệ = Quan đại phu nước Lỗ, tên là Triển Cầm, Ô = ô trọc, nghĩa bóng là hèn kém. Ẩn = ẩn náu giấu giếm, nghĩa bóng là cong queo. Hiền = cái đạo thẳng ở mình. Di dật = ruồng rẫy khinh bỏ. Ách = khốn ách, Mẫn = thương và có ý lo. Đản tích = trật áo ra để trần tay. Khoả trình = cởi áo ra để trần mình; trần tay, trần mình, đều nói kẻ vô lễ. Trắc = Bên mình. Do do = dáng bộ vui vẻ tự đắc. Giai = ở chung ở lẫn mà không phân biệt. Bất tự thất = chẳng sai mất cái đạo chính của mình, nghĩa là không bị bề ngoài nó sai khiến, mà mình hỏng mất phẩm cách đi. Viên = cầm tay lôi kéo, chỉ = ở lại
孟子曰:「伯夷隘,柳下惠不恭。隘與不恭,君子不由也。」
 Dịch âm: Mạnh tử viết: Bá Di ải, Liễu Hạ Huệ bất cung; ải dữ bất cung, quân tử bất do dã
Dịch nghĩa: Thầy Mạnh phẩm bình rằng: Ông Bá Di thì hẹp hòi, ông Liễu Hạ Huệ thì xuề xoà; hẹp hòi với xuề xoà quá, hai đàng ấy quân tử không noi theo được.
Chú giải: Ải = hẹp, có ý nghiêm ngặt quá. Bất cung = Không kính, không theo lễ độ, có ý giản dị khinh đời. Do = noi theo, theo cái khôn ấy mà làm
Chương này là kể ra cái nết ông Di với ông Huệ, đều là nết hay cả. Nhưng mà ông Di là bậc thanh quá, có ý hẹp hòi nghiêm ngặt; ông Huệ là bậc hoà quá, có ý xuề xoà coi khinh, đều có sở thiên cả, đã có sở thiên thì không khỏi có tệ; người quân tử phải chiết trung lại cho vừa phải, không nên theo mà học lấy cái nết ấy




1 nhận xét: