Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

MẠNH TỬ 7

公孫丑問曰:「夫子加齊之卿相,得行道焉,雖由此霸王不異矣。如此則動心否乎?」孟子曰:「否,我四十不動心。」
Công Tôn Sửu vấn viết: Phu tử gia Tề chi khanh tướng, đắc hành đạo yên, tuy do thử bá vương bất dị hĩ. Như thử tắc động tâm phủ hồ? Mạnh Tử viết: Phủ, ngã tứ thập bất động tâm.
Dịch nghĩa: Công Tôn Sửu hỏi: Nhà thầy nếu ở vào cái ngôi khanh tướng nước Tề, được đem cái đạo của mình ra thi thố, dẫu nhân thế mà làm thành được nghiệp vương, nghiệp bá, cũng chẳng lạ gì. Nhưng đương cái trách nhiệm như vậy, thì thầy có động tâm hay không? Thầy Mạnh nói: Không, ta từ thủa bốn mươi tuổi đã chẳng động tâm rồi.
Chú giải: Gia = đem thêm vào, cái vật gì ở ngoài mà nó đem đến cho mình. Động tâm = Nghi hoặc sợ hãi. Đương cái trách nhiệm to tát nặng nề, mà trong lòng nghi hoặc sợ hãi, đó là kẻ người thường. Chứ quân tử thì đạo đã minh, đức đã lập, gặp việc thì cứ thung dung mà xử trí, sự lớn cũng coi như nhỏ, có sự cũng coi như không, tứ thập = chính vừa tuổi cường sĩ,(Kinh lễ cho tuổi bốn mươi là đương thì khoẻ mạnh ra làm quan) mà đương là thời bất hoặc.(Bất hoặc = không nghi ngờ. Đức Khổng tử tứ thập bất hoặc)
曰:「若是則夫子過孟賁遠矣。」
曰:「是不難。告子先我不動心。」
Dịch âm: Viết: Nhược thị tắc phu tử quá Mạnh Bôn viễn hĩ!. Viết: Thị bất nan. Cáo tử tiên ngã bất động tâm
Dịch nghĩa: Sửu nói: Như thế thì nhà thầy hơn Mạnh Bôn nhiều lắm!. Thầy nói: Cái đó chẳng khó gì. Cáo tử bất động tâm trước ta.
Chú giải: Mạnh Bôn = Một người dũng sĩ đời bấy giờ. Cáo tử = tên là Bất Hại, một người triết học đời bấy giờ.
Đây là Sửu đem một nhà dũng sĩ tuyệt đối ra so sánh với thầy Mạnh để khen thầy Mạnh, mà cho sự bất động tâm là khó. Thầy Mạnh lại cho sự bất động tâm là không khó, mà đem một nhà triết học tầm thường ra so sánh với mình. Xét: Cái tâm người ta hễ có sở chủ thì tự nhiên bất động. Song cái điểu sở chủ đó hợp với đạo hay là không hợp với đạo thế nào, sẽ xem lời thầy Mạnh giải ra như sau
曰:「不動心有道乎?」
曰:「有。北宮黝之養勇也,不膚撓,不目逃。思以一豪挫於人,若撻之於市朝。不受於褐寬博,亦不受於萬乘之君。視剌萬乘之君若剌褐夫。無嚴諸侯。惡 聲至,必反之。
Viết: Bất động tâm hữu đạo hồ? Viết: Hữu. Bắc Cung Ẩu chi dưỡng dũng dã, bất
phu nạo, bất mục đào. Tư dĩ nhất hào toả ư nhân, nhược thát chi ư thị triều, bất thụ
ư cát khoan bác, diệc bất thụ ư vạn thặng chi quân, thị thích vạn thặng chi quân,
nhược thích cát phu, vô nghiêm chư hầu, ác thanh chí tất phản chi
Dịch nghĩa: Sửu nói: Bất động tâm phải có mẹo không? Thầy nói: Có. Bắc Cung Ẩu anh ta nuôi cái dũng thế này: Chẳng trùng da, chẳng chớp mắt, vì nghĩ rằng nếu để một mẩy gì bị nhục với người, khác nào như mình bị đánh ở giữa chốn thị triều. Chẳng chịu nhục với đứa mặc áo vải lùng thùng, cũng chẳng chịu nhục với ông vua vạn thặng; coi giết ông vua vạn thặng cũng như giết đứa mặc áo vải; không sợ vua chư hầu nào cả; hễ tiếng xấu đến mình, tất báo lại ngay
Chú giải: Đạo = cái mẹo, chữ đạo đây khác với chữ đạo đức và chữ đạo lý. Đây nói cái tâm hữu chủ thì bất động, hữu chủ tức là cái mẹo bất động tâm.
Phu = da ở bề ngoài. Não = Trùng, run sợ bị đâm mà trùng da lại, Đào = chuyển con ngươi mà tránh, nghĩa là sợ bị đâm mà chớp mắt, Toả = Toả chiết, là bị nhục. Thát = đánh. Thị triều = chốn chợ đông và chốn triều đình. Cát = áo vải lông xù. Khoan bác = Lùng thùng xốc xếch. Cát  - Khoan bác là bộ áo mặc của kẻ hèn. Thích = Đâm giết. Nghiêm = sợ hãi.
Đây nói Bắc Cung Ẩu là người thích khách, trong tâm chỉ chủ lấy tất thắng, cho nên bất động. Đó là một cái mẹo bất động âm
孟施捨之所養勇也,曰:『視不勝猶勝也。量敵而後進,慮勝而後會,是畏三軍者也。舍豈能為必勝哉?能無懼而已矣。』
Mạnh Thi Xả chi sở dưỡng dũng dã, viết: thị bất thắng do thắng dã. Lượng địch nhi hậu tiến, lự thắng nhi hậu tằng, thị úy tam quân giả dã. Xá khởi năng vi tất thắng tai? Năng vô cụ nhi dĩ hĩ.
Dịch nghĩa: Mạnh Thi Xá anh ta nuôi cái dũng thế này: Anh ta thường nói: Ta chỉ một lòng quyết chiến coi thua cũng như được. Nếu lượng thế giặc kém rồi mới tiến quân, liệu sức mình hơn rồi mới giao chiến, thế là kẻ rút rát đấy. Xá này hà đảm chắc hẳn được đâu, chỉ một lòng không sợ mà thôi.
Chú giải:Lự = Lo liệu. Lự thắng = liệu mình có phần hơn khả dĩ đánh được. Uý tam quâm = cổ chế có thượng quân, trung quân, hạ quân, gọi là tam quân. Trông thấy tam quân mà sợ, ý là người rút tát. Đây nói Mạnh Thi Xá là người chiến sĩ, trong tâm chỉ chủ một điều vô cụ (không sợ) cho nên bất động. Đó lại là một cái mẹo bất động tâm.
孟施捨似曾子,北宮黝似子夏。夫二子之勇,未知其孰賢,然而孟施捨守約也
Mạnh Thi Xá tự Tăng Tử, Bắc Cung Ẩu tự Tử Hạ. Phù nhị tử chi dũng, phù tri kỳ thục hiền, nhiên nhi Mạnh Thi Xá thủ ước dã.
Khí tượng Mạnh Thi Xá giống thầy Tăng tử, khí tượng Bắc Cung Ẩu giống thầy Tử Hạ. Ôi, cái dũng của hai gã, đều là cái dũng khí huyết, chửa biết ai hơn, nhưng so ra thì Mạnh Thi Xá sở thủ yếu ước hơn.
Chú giải: Tăng Tử, Tử Hạ đều là bậc cao hiền ở Khổng môn. Đây là luân qua cái dũng của hai gã; ngươi Ẩu thì chuyện chủ đối địch với người, so với thầy Tử Hạ chỉ dốc lòng tin theo thánh nhân; ngươi Xá thì chuyên chủ giữ mình cho bạo dạn, so với thầy Tăng tử bình sinh chỉ chăm sửa mình, tuy nhân chách mỗi đàng một khác, nhưng mà giống nhau chỉ giống cái khí tượng đó mà thôi. Lại đem hai gã mà so với nhau, thì ngươi Xá sở thủ có phần yếu ước hơn
昔者曾子謂子襄曰:『子好勇乎?吾嘗聞大勇於夫子矣:自反而不縮,雖褐寬博,吾不惴焉;自反而縮,雖千萬人吾往矣。
Tích giả Tăng tử vị Tử Tương viết: Tử hiếu dũng hồ? Ngô thường văn đại dũng ư Phu tử hĩ, tự phản nhi bất súc, tuy cát khoan bác, ngô bất xuỷ yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân ngô vãng hĩ.
Dịch nghĩa: Ngày xưa thầy Tăng Tử bảo thầy Tử Tương rằng: Ngươi muốn học điều dũng không? Ta từng nghe điều dũng lớn của thầy ta truyền rằng: Xét mình mà lẽ không thẳng, tuy đứa mặc áo vải lùng thùng, ta há chẳng sợ. Xét mình mà thẳng, tuy nghìn vạn người, ta cũng đi mà đối địch vậy.
Chú giải: Tử Tương = học trò thầy Tăng tử, phu tử = cái danh từ tôn trọng học trò gọi thầy; phu tử đây tức là ông Khổng. Súc = cái đường dọc khâu trong cái mũ đời xưa, nói mượn nghĩa là thẳng. Xuỷ = sợ hãi. Bất xuỷ = há chẳng sợ, là phải sợ.
Đây là kể ra cái dũng của thầy Tăng tử, chỉ chủ ở cái lẽ thẳng mà thôi. Đó mới là cái dũng nghĩa lý, khác với ngươi Ẩu ngươi Xá là dũng khí huyết.
孟施捨之守氣,又不如曾子之守約也。」
Mạnh Thi Xá chi thủ khí, hựu bất như Tăng tử chi thủ ước dã.
Dịch nghĩa: Song Mạnh Thi Xá sở thủ chỉ là khí, không bằng thầy Tăng tử sở thủ cốt ở lý, lại càng yếu ước hơn
Chú giải: Đây nói thầy Tăng trong râm chỉ chủ lấy cái lẽ thẳng mà bất động. Đó lại là cái mẹo bất động tâm, mà cái mẹo này mới là cái mẹo của thánh hiền.
曰:「敢問夫子之不動心與告子之不動心,可得聞與?」「告子曰:『不得於言,勿求於心;不得於心,勿求於氣。』不得於心,勿求於氣,可;不得於言,勿求於心,不可。夫志,氣之帥也;氣,體之充也。夫志至焉,氣次焉。故曰:持其志,無暴其氣。」
Viết: Cảm vấn phu tử chi bất động tâm, dữ Cáo tử chi bất động tâm, khả đắc văn dư?. Cáo tử viết: Bất đắc ư ngôn, vật cầu ư tâm, bất đắc ư tâm, vật cầu ư khí. Bất đắc ư tâm, vật cầu ư khí, khả; bất đắc ư ngôn, vật cầu ư tâm, bất khả. Phù chí, khí chi suý dã; khí, thể chi sung dã. Phù chí chí yên; khí thứ yên. Cố viết: tri kỳ chí, vô bạo kỳ khí.
Dịch nghĩa: Sửu nói: Dám hỏi nhà thầy bất động tâm, với Cáo tử trước thầy bất động tâm, cái mẹo có thể được nghe chăng? Thầy nói: Cáo tử có nói rằng: Lời nói mà chẳng đạt, thì chớ suy nghĩ ở trong tâm; trong tâm mà chẳng yên, thì chớ động chi đến khí. Bảo rẳng cái tâm mà chẳng yên, chớ động chi đến khí, còn hơi phải; bảo rằng lời nói mà chẳng đạt, chớ suy nghĩ ở trong tâm, thì không phải. Nay phải biết rằng chí là tướng suý của khí, khí là sung mãn ra ở thân thể; thế thì cái chí là bậc nhất, mà cái khí là thứ hai. Vậy nên giữ gìn lấy cái chí, mà cũng chớ nên khuy tổn mất cái khí.
Chú giải: Cầu ư tâm= Dụng tâm suy nghĩ, Cầu ư khí = thêm sức giúp đỡ cho khí hăng lên. Cáo tử không cầu chi đến tâm, không cầu chi đến khí, là giữ cho khỏi động đến tâm. Suý = ông tướng trong quân, nói bóng là chủ tể. Thể = thân thể. Sung = Sung mãn, đầy dàn. Chí = cực chí, là nói bậc nhất, không gì hơn nữa. Thứ = bậc thứ hai, tiếp liền với bậc nhất, Trì = giữ gìn. Bạo = tổn hại bỏ liều, có ý làm cho khuy tổn. Đây là thầy Mạnh thuật lại lời cáo tử để rõ ra rằng Cáo tử chỉ ức chế cái tâm, mà cũng chẳng bồi dưỡng chi cái khí, thế mà hay bất động tâm sớm, là chỉ chủ nghĩa ù lỳ mà thôi. Sau thầy lại bàn ra cái chí và caid khí đều nên dưỡng; chớ như cái lời “vật cầu ư tâm” của Cáo tử là không phải đã đành, mà cái lời “vật cầu ư khí” của Cáo tử cũng là không phải.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét